Header Ads

Trung Tâm Phát Hiện Sớm Ung Thư

NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM PHỔ BIẾN VỀ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

  

NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM PHỔ BIẾN VỀ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng) bao gồm các vitamin, khoáng chất, thảo dược, hoặc các sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Chúng cũng có thể là các bộ phận động vật, tảo biển, hải sản, các loại men, nấm, và các thành phần thức ăn hoặc tinh chất khác. Chúng bao gồm dạng bột amino acid, enzyme, thanh năng lượng, thức ăn bổ sung dạng lỏng.

Nhiều thực phẩm bổ sung được tổng hợp dưới điều kiện vệ sinh sạch sẽ, trong các phòng thí nghiệm được kiểm soát nghiêm ngặt và có nhãn mác chính xác. Số khác lại được tạo ra trong các điều kiện không đầy đủ bằng, không chứa các thành phần dinh dưỡng như được quảng cáo. Nhiều sản phẩm còn chứa các thành phần không có trong danh mục: các chất độn, các loại thảo dược khác, thậm chí là các loại thuốc có thể hoặc đã được chứng minh là có hại.

Nếu bạn cân nhắc sử dụng thực phẩm bổ sung như một phương pháp điều trị ung thư, bạn cần được trang bị thêm nhiều kiến thức trước khi quyết định. Những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu hơn về thực phẩm bổ sung, từ đó giúp bạn đưa ra những lựa chọn sáng suốt về việc sử dụng sao cho an toàn. Hãy nói chuyện với bác sỹ điều trị ung thư của bạn trước khi bắt đầu sử dụng bất cứ loại thực phẩm bổ sung nào.
 

Dưới đây là những quan niệm sai lầm nhưng khá phổ biến về thực phẩm bổ sung:

Liều lượng lớn: Quan niệm “Càng nhiều càng tốt”

Nhiều người thắc mắc tại sao những thực phẩm dinh dưỡng bổ sung như vitamin hay các loại thảo dược có thể được mua mà không cần phải có đơn của bác sỹ, trong khi các loại thuốc lại có quy định và được kiểm soát nghiêm ngặt. Người ta thường có ngộ nhận rằng,  các loại thực phẩm bổ sung có thể mua dễ dàng không cần  đơn thuốc, nên sử dụng chúng là hoàn toàn an toàn kể cả ở liều cao.

Trong thập niên 1990, người ta có xu hướng sử dụng liều cao các chất chống oxy hóa như vitamin C, beta carotene, hay vitamin E. Nhiều người tin rằng vitamin C liều cao có tác dụng phòng và điều trị cảm cúm, dù chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, bạn vẫn có thể nghe được ở đâu đó những khẳng định về lợi ích của việc sử dụng các loại vitamin với liều cao. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được điều này.Trên thực tế, liều cao vitamin và khoáng chất có thể nguy hiểm, thậm chí gây ngộ độc.

Ví dụ, quá liều vitamin C có thể gây ảnh hưởng tới khả năng hấp thu đồng - một vi khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Quá nhiều phospho có thể gây cản trở việc hấp thu calci. Cơ thể không thể đào thải một lượng lớn vitamin A, D, và K. Nếu bạn hấp thu với số lượng quá lớn, các loại vitamin trên sẽ bị tích tụ trong cơ thể tới ngưỡng gây độc tính.

 

 

Sử dụng liều lớn vitamin C liệu có hiệu quả như những lời quảng cáo? Nguồn: pinterest.com
 

Hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng lượng lớn bất kỳ loại vitamin, khoáng chất hay các loại thực phẩm bổ sung nào khác. Điều dưỡng hoặc dược sỹ cũng có thể đưa ra cho bạn những thông tin về liều dùng an toàn. Liều cao vitamin, dù chưa gây độc, cũng đã có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chung của bạn. Đã có nhiều nghiên cứu lớn chỉ ra rằng, tuổi thọ trung bình của người sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin E không cao hơn người bình thường. Một số thậm chí còn tử vong sớm hơn, đặc biệt là do suy tim.

Quan niệm “Tự nhiên là an toàn hơn, là tốt hơn”

Hiện nay, bạn khó có thể tìm được sự ủng hộ cho những ý kiến như “các sản phẩm nhân tạo hoặc tinh chế là tốt hơn các sản phẩm thô, nguyên dạng”. Tuy nhiên, những thực phẩm bổ sung được quảng cáo là “hoàn toàn tự nhiên chưa chắc đã tốt hơn các sản phẩm được tinh chế hoặc tổng hợp.

Hãy lưu ý rằng một số chất độc mạnh nhất trên thế giới được hình thành trong tự nhiên. Ví dụ: nấm độc là hoàn toàn tự nhiên nhưng không hề an toàn hay có lợi cho sức khỏe con người. Có nhiều loại thực vật khác trong tự nhiên có thể gây độc, thậm chí tử vong nếu ăn phải.

Các thực phẩm bổ sung có nguồn gốc thực vật (như tỏi, gừng, bạch quả, hoa nón, và những loại khác) có thể được bán dưới mác sản phẩm “tự nhiên”. Tuy nhiên, trong thực vật có chứa rất nhiều chất hóa học. Một số có thể có lợi, trong khi số khác có thể gây ngộ độc hoặc dị ứng. Những thực phẩm bổ sung được quảng cáo “hoàn toàn tự nhiên” chưa chắc đã là những sản phẩm có lợi, do chúng chưa được tinh chế để loại bỏ các chất độc tiềm tàng.

Các thực phẩm bổ sung có nguồn gốc thực vật có thể chứa bất kỳ bộ phận nào của cây, từ rễ, thân, hoa, cho tới lá, phấn hoa và nước ép. Các bộ phận khác nhau có tác động khác nhau lên cơ thể người. Ví dụ, rễ bồ công anh có tác dụng nhuận tràng, trong khi lá bồ công anh có tác dụng lợi tiểu. Nếu bạn quyết định sử dụng những loại thực phẩm bổ sung này, hãy đảm bảo rằng bạn biết rõ bộ phận nào của cây có trong thành phần của chúng. Nếu bạn không chắc chắn, hay liên hệ với nhà sản xuất để biết thêm thông tin về sản phẩm.

Hãy nhớ rằng, liều lượng và sự an toàn khi sử dụng liên quan với nhau chặt chẽ. Các loại lá hay rễ của nhiều loại thực vật có thể được sử dụng một cách an toàn với liều lượng thấp dưới dạng thảo dược. Tuy nhiên, tinh chất được chiết xuất dưới dạng lỏng hoặc viên uống có thể chứa nồng độ các chất hóa học cao hơn nhiều và có thể không an toàn.

Quan niệm “Nó đã được sử dụng hàng ngn năm rồi nên chắc chắn là có tác dụng”

Dù các loại thảo dược đã được sử dụng từ hàng nghìn năm trong các bài thuốc dân gian hay y học cổ truyền vì được cho là hữu dụngnhưng có rất ít bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của chúng. Nếu liều thấp thảo dược có thể gây ra đau đớn hoặc nguy hiểm tới tính mạng ngay lập tức sẽ không có ai sử dụng chúng trong các bài thuốc. Tuy nhiên, hệ thống y học cổ truyền được hình thành từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước thiếu đi các phương pháp khoa học để nghiên cứu tác dụng phụ về lâu dài. Do đó, nhiều loại thảo dược có thể có tác dụng ngắn hạn, nhưng lại làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính (như ung thư, suy tim, hay suy thận) sau nhiều năm sử dụng mà các tác dụng phụ này lại không được để ý tới.

Thêm vào đó, việc bệnh nhân tiến triển nặng hơn sau khi dùng các loại thảo dược ít khi được nghĩ tới là do thuốc. Thời xa xưa, tử vong không phải là hiếm gặpở mọi lứa tuổi đều có người chết vì các bệnh mà hiện nay có thể được phòng ngừa và chữa trị. Cuối cùng, ở một số nền y học cổ truyền, một số thảo dược được dùng để gây nôn hoặc tiêu chảy. Những tác dụng này khi đó đã được cho là có lợi, dù kết quả cuối cùng hay lâu dài không hề tốt.

Việc tìm hiểu xem cách thức hiện nay sử dụng một loại thảo dược nào đó có giống với cách sử dụng truyền thống hay không cũng rất quan trọng. Ví dụ, trong y học cổ truyền Trung Quốc, trà thảo dược làm từ một loại thực vật có thể được sử dụng an toàn để điều trị cơn hen kịch phát khi được một thày thuốc đông y có kinh nghiệm kê đơn. Mặt khác, việc sử dụng liều cao loại thực vật này dưới dạng viên uống mà không có sự giám sát của chuyên gia có thể sẽ không an toàn.

Hãy lưu ý rằng hầu hết các loại thảo dược, thực vật và các phương pháp khác được sử dụng trong y học cổ truyền là để giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Điều này là có ích đối với người bệnh có khả năng phục hồi cao. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, trong quá khứ, tử vong là hậu quả hoàn toàn có thể xảy ra đối với hầu hết các bệnh nặng. Khoa học và kỹ thuật đã giúp các y bác sỹ ngày nay hiểu rõ hơn rất nhiều về nguyên nhân bệnh tật so với kiến thức của các thầy thuốc cách nay mấy trăm năm. Hiện nay, hầu hết các gia đình từng sử dụng cách điều trị cổ truyền đã chuyển sang dùng điều trị Tây y hiện đại, nếu có phương pháp điều trị đã được kiểm chứng.

Quan niệm: “Sẽ chẳng có hại gì nếu dùng thực phẩm bổ sung cùng với thuốc hàng ngày”

Hầu hết mọi người cho rằng, có thể sử dụng thực phẩm bổ sung một cách an toàn cùng với thuốc kê đơn. Điều này là không đúng. Ví dụ, một số loại thảo dược có thể làm hạn chế khả năng hấp thu của cơ thể đối với một số loại thuốc kê đơn. Điều này có thể gây giảm nồng độ thuốc kê đơn trong máu. Hầu hết các công ty dược và các nhà sản xuất thảo dược không nghiên cứu tương tác thuốc có thể xảy ra. Do đó, tính an toàn của việc sử dụng thực phẩm bổ sung cùng với thuốc kê đơn hàng ngày là không rõ ràng.


Nguồn
 ảnh: goodsmart.vn

Hãy nói chuyện với bác sỹ của bạn về bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào mà bạn muốn sử dụng. Bác sỹ hoặc dược sỹ sẽ cho bạn biết những thông tin về các tương tác thuốc đã biết. Hãy nhớ rằng, đối với các loại thuốc mới, tương tác thuốc có thể chưa rõ.

Quan niệm: “FDA sẽ không cho phép các công ty bán thuốc và quảng cáo như vậy nếu những điều họ nói là không đúng sự thật”

Do cách thực phẩm bổ sung được quy định và kiểm soát, FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) không thể kiểm tra hết mọi thông tin được nhà sản xuất đưa ra về các loại thực phẩm bổ sung. Do đó, tính an toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất. FDA chỉ được phép can thiệp nếu họ nhận ra có vấn đề nào đó phát sinh.

 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org - Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/complementary-and-alternative-medicine/dietary-supplements/intro.html

https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/complementary-and-alternative-medicine/dietary-supplements/misconceptions.html

 

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.